Học Business Analyst ở đâu? Có nên đi học khóa BA không
- February 07, 2021
- by
- Tony Nguyen
Chào các bạn, thời gian vừa rồi mình cũng nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên mới ra trường và các bạn từ ngành khác chuyển qua hỏi muốn chuyển qua nghề BA và có nên đi một khóa học BA để chuyển BA không. Học Business analysis cho người mới bắt đầu thì cần học những gì?
Hiện tại Phúc cũng làm BA lead trong lĩnh vực Fintech. Trước đây mình cũng đã tham gia khá lâu các dự án trong mảng giáo dục về lĩnh vực CNTT-BA nên những chia sẻ này hi vọng sẽ giúp các bạn có thêm thông tin lựa chọn và tham khảo các khóa học BA nhé.
Bạn đã hiểu cơ bản về nghề Business Analysis là gì chưa?
Đây là bước quan trọng nhất các bạn nhé. Trước khi học khóa BA thì bạn hãy hiểu BA là làm gì.
Các bạn có thể đọc thêm về bài BA là gì mình đã viết.
Có nhiều cách để bạn có thể hiểu Business analysis là gì? Cách dễ nhất là lên trang tuyển dụng và tìm vị trí tuyển dụng đó. Đọc mô tả là bạn hiểu được yêu cầu và kinh nghiệm của BA là gì rồi.
BA ở đây mình nhắc đến là phân tích nghiệp vụ, không phải phân tích dữ liệu. Công việc của Business analyst là tìm hiểu nhu cầu của các bên liên quan trong doanh nghiệp. Từ các yêu cầu đó BA cùng các bên liên quan sẽ phân tích, sau đó cùng nhau đưa ra giải pháp để giúp doanh nghiệp thay đổi theo hướng tích cực. Giải pháp đó có thể là thay đổi tổ chức, thay đổi quy trình, thay đổi con người và thường là áp dụng hoặc thay đổi về phần mềm.
Sau khi đọc và tìm hiểu công việc của BA rồi thì bạn xem mình đã có những kiến thức và kĩ năng như yêu cầu chưa. Nếu thiếu thì bạn có tự học được không? Ví dụ dưới đây là một yêu cầu tuyển dụng vị trí Business analyst.

Sau khi đọc các yêu cầu trên nếu bạn hiểu và thấy những công việc trên mình đã từng làm thì sẽ khá dễ dàng đúng không. Còn nếu đọc xong, các bạn chưa hiểu hoặc nghe như từ mới thì có nghĩa bạn chưa có đủ kĩ năng theo yêu cầu. Từ đó bạn cần học hỏi thêm các kĩ năng trong lĩnh vực này.
Không nên đi học khi bạn nói nghề BA này lương cao hoặc thú vị? Các công việc liên quan đến lĩnh vực CNTT thường là nặng và khá áp lực, đặc biệt BA thì thời gian đầu sẽ khá khó khăn.
Học BA thì bạn được gì và mất gì
Đầu tiên là mất nhé: Mình gọi là đầu tư, bạn cần đầu tư một khoản từ 3 đến 10 triệu cho một khóa học ở các trung tâm. Mất khoảng 1 tháng học tùy vào khóa học bạn lựa chọn. Khoản tiền trên cũng khá lớn nên bạn sẽ cân nhắc khoản đầu tư.
Học khóa học Business analysis thì bạn được gì? Thường các khóa học tại các trung tâm hoặc giảng viên dạy riêng thì có khoảng 10-15 buổi học, mỗi buổi tầm 2h-3h.
Về cơ bản với khoảng thời gian ngắn này thì các bạn hiểu cơ bản là gì? Công việc BA, một số kĩ năng về khơi gợi, phân tích yêu cầu, các công cụ hỗ trợ BA, Các loại tài liệu phổ biến, cách tài liệu hóa, quản lý yêu cầu…Và chứng chỉ cuối khóa học. Với thời gian này thì các bạn có thể hiểu rõ hơn về BA, được tương tác với bạn bè, hỏi thêm về giảng viên.
Nếu các bạn chưa có các điều trên thì có thể học tùy vào tình hình tài chính và lựa chọn nhé.
Số lượng học xong để kiếm được việc BA ngay theo mình là không dễ và không nhiều. Các bạn không nên kì vọng quá nhiều về khóa học như học xong sẽ làm BA tốt ngay, hoặc sẽ giải quyết được khó khăn công việc hiện tại của bạn. Với thời lượng ngắn của 1 khóa học thường giúp bạn có được kiến thức nền tảng tốt hơn.
Học Business Analyst ở đâu
Nếu học BA thì bạn học ở đâu? Với mình, tinh thần tự học và cũng là kĩ năng cực quan trọng của BA là tự nghiên cứu và tự học. Các bạn có thể chia nhỏ kĩ năng và tham gia các khóa online tại các trang nước ngoài trong lĩnh vực BA. Các bạn có thể học tại youtube, Udemy, Coursera, Linkedin… đây cũng là những trang mình thường xuyên học.
Học trung tâm thì các bạn lựa chọn trung tâm uy tín đặc biệt là tư vấn về chương trình nhé. Tìm hiểu kĩ về giảng viên thì cũng sẽ tốt nhé, số lượng học viên đừng quá đông >20 học viên thì lúc này khó hỏi nhiều và hỗ trợ tốt.
Tiêu chí để chọn 1 trung tâm đào tạo BA tốt:
- Trung tâm có địa chỉ và nơi đào tạo rõ ràng. Bạn có thể đến trực tiếp để được nghe tư vấn và xem cơ sở vật chất.
- Trung tâm uy tín trên thị trường. Đã được nhiều người biết đến
- Khóa học đạt chuẩn quốc tế như IIBA, PMI
- Chương trình học sát với thực tế
- Thời lượng học hợp lý từ 10 buổi trở lên
- Giảng viên có hồ sơ rõ ràng, có kinh nghiệm, chứng chỉ quốc tế.
- Giảng viên phải có kinh nghiệm trực tiếp làm vị trí BA. Điều này rất quan trọng vì kể cả manager vị trí khác nhưng ít thời gian làm BA thì cũng khó dạy tốt. Vì việc làm BA và việc làm quản lý là khác nhau. Người có kinh nghiệm trực tiếp làm các vị trí Senior BA, BA lead… sẽ giúp các bạn có những kiến thức cơ bản đến nâng cao, lộ trình phát triển vì bản thân họ là người đã trải qua các vị trí đó.
- Số lượng học viên tham gia từ 15-20 học viên trở xuống.
- Có hỗ trợ sau khóa học
- Có chứng chỉ và chứng chỉ đó có giá trị như thế nào
- Tài liệu học được xây dựng trên cơ sở nào
- Kết thúc khóa học, học viên nhận được gì.
Khi tham gia một khóa học, lựa chọn 1 trung tâm đăng ký các bạn có thể tham khảo các tiêu chí trên để chọn cho mình 1 khóa học tốt.
Tìm cho mình một Mentor trong lĩnh vực Business analysis
Với mình, đây là điều còn quan trọng hơn ở các khóa học. Thời gian đầu bạn có người Coaching, hướng dẫn hỗ trợ thì sẽ tiến bộ nhanh và vượt qua được những khó khăn ban đầu.
Bạn hãy tìm kiếm cho mình một Mentor tốt, có kinh nghiệm và nhiệt huyết chia sẻ.
Theo mình nên tham khảo kĩ nghề trước sau đó xác định mình còn thiếu kiến thức gì và bổ sung. Lựa chọn khóa học thì nên chọn nơi có giảng viên tốt, có kinh nghiệm thực tế rõ ràng, có uy tín lâu trên thị trường nhé. Chúc các tìm được những khóa học phù hợp.
Nên học Business Analyst ở trung tâm nào?
Có nhiều bạn inbox mình và hỏi trên cộng đồng BA Zone là nên chọn trung tâm nào? Đây là một câu hỏi khó, nếu chỉ cho bạn 1 cái tên thì dễ, nhưng trung tâm có phù hợp với bạn không lại là một câu chuyện khác.
Mình từng làm trung tâm đào tạo BA 4 năm, trải qua chắc gần 1000 viên. Chỉ trong 1 lớp học thôi, cùng một giảng viên, 1 tài liệu, 1 bài tập nhưng cuối khóa có người khen hết mức, có người cũng chê rằng toàn lý thuyết. Học xong 1 khóa em chẳng hiểu gì, phí tiền..Vậy điều đó bắt nguồn từ đâu. Đó chính là sự mong đợi và nền tảng của mỗi học viên. Ngoài điều kiện của trung tâm, người giảng dạy thì mong đợi và kiến thức nền tảng của học viên là điều quan trọng khóa học có hiểu quả không. Chính vì vậy mình viết blog này, mình không quảng cáo cho trung tâm cụ thể nào cả. Mình chỉ chia sẻ cách để bạn chọn được một nơi phù hợp với bạn.
Note: Các bài viết tại đây là của cá nhân mình, không liên quan đến tổ chức, cá nhân nào khác vì vậy các đơn vị, cá nhân trích bài viết vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog. Cảm ơn !