Mẫu CV Dành cho Business analyst
- October 17, 2021
- by
- Tony Nguyen
Chào các bạn, như thường lệ chủ nhật tuần này mình quay trở lại với một bài viết liên quan đến lĩnh vực Business Analyst.
Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm về việc làm CV (Curriculum Vitae) dành cho các bạn mới bắt đầu với công việc Business Analysis – Phân tích nghiệp vụ.
Mình cũng đã giúp khá nhiều bạn sinh viên mới ra trường và các bạn đang làm công việc khác cách xây dựng CV để tìm được một công việc BA khi bắt đầu.
Hiện tại Phúc đang làm Lead BA của một kỳ lân công nghệ fintech, digital banking. Phúc đã từng làm trong lĩnh vực đào tạo BA 4 năm nên những chia sẻ của Phúc ở cả góc độ người tuyển dụng, đánh giá CV và cũng từng là người ứng tuyển.
Thường khi mới bắt đầu với nghề BA thì các bạn sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm công việc đầu tiên. Đó cũng là lý do vì sao bạn ít thấy tin tuyển dụng Fresher Business Analyst.
Nếu đã có kinh nghiệm rồi thì tìm được công việc Business Analysis lại không quá khó. Nghề này thường yêu cầu ứng viên đã có kinh nghiệm. Vì vậy làm được một bản CV tốt tức là bạn đã có cơ hội đầu tiên tiêp xúc với nhà tuyển dụng.
Vì sao CV lại quan trọng?
Với góc nhìn của mình, đi làm tức là bạn đang bán sức lao động của mình để lấy một khoản thu nhập nhất định. Nếu các bạn làm sales, marketing rồi thì hẳn sẽ biết vai trò cực quan trọng của việc tiếp thị sản phẩm. Sản phẩm được tiếp thị tốt thì cơ hội chạm đến người tiêu dùng càng cao. Có khi nào bạn thấy cùng 1 sản phẩm có công dụng tương đối giống nhau nhưng giá thành lại quá chênh lệch. Sự chênh lệch đó có thể đến từ kênh tiếp thị tốt hơn, thương hiệu tốt hơn, định vị tốt hơn.
CV chính là kênh tiếp thị đầu tiên của bạn đến với nhà tuyển dụng. Bạn giới thiệu bản thân tốt, thể hiện được khả năng và kinh nghiệm tốt thì cơ hội bạn đến với nhà tuyển dụng nhiều hơn. Có 1 bản CV tốt, giới thiệu đúng “insight” mà nhà tuyển dụng đang mong muốn tìm kiếm thì bạn đã thắng 1/2 chặng đường rồi. Đó là lý do quan trọng bạn nên biết xây dựng cho mình một bản CV ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Những yếu tố cơ bản để có một bản CV tốt dành cho Business Analyst
Để có một CV tốt bạn cần tuân thủ những điều cơ bản. CV thường chỉ gói gọn trong 2 tờ A4, với độ dài như vậy bạn cần biết cách sắp xếp và thể hiện những nội dung phù hợp với tiêu chí nhà tuyển dụng đưa ra.
Với góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân của mình, Blaoman sẽ đưa ra bạn một số gợi ý cơ bản để có một CV đủ tốt với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, cách trình bày và yêu cầu mỗi đơn vị là khác nhau, sẽ không có đúng hoặc sai hoàn toàn mà chỉ có phù hợp. Đôi khi CV A tốt với đơn vị A nhưng không phù hợp với đơn vị tuyển dụng B. Blaoman sẽ gạch đầu dòng những nội dung cơ bản để bạn biết cách xây dựng cho mình môt CV riêng theo kinh nghiệm của bạn và có cơ hội đến với nhà tuyển dụng.
CV đúng từ những điều cơ bản
Xác định đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với vị trí Business analyst
Đây là điều cơ bản nhưng quan trọng. Rất nhiều bạn làm CV chung chung cho nhiều lĩnh vực. Các trường hợp Blaoman gặp khi review cv của các bạn khác ngành chuyển qua. Hoặc các bạn sinh viên mới ra trường đó là bạn làm CV của công việc cũ cho vị trí Business analyst. Điều đó dẫn đến việc nhà tuyển dụng sẽ loại hồ sơ bạn từ vòng lọc hồ sơ vì bạn không có điều mà nhà tuyển dụng mong muốn.
Để khắc phục được điều trên. Bạn phải đọc kĩ yêu cầu mô tả công việc từ nhà tuyển dụng. Từ đó các từ khóa trong cv bạn cần phải có liên quan đến yêu cầu với vị trí BA. Hãy đọc thật kĩ mô tả yêu cầu, tìm hiểu các yêu cầu đó và làm một CV chỉn chu có liên quan đến yêu cầu. Business analysis là một nhóm kĩ năng, vì thế bạn có làm công việc gì thì cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm phân tích và tổng hợp, giải quyết vấn đề rồi. Điều cần là bạn hãy mô tả nó để người tuyển dụng biết được rằng bạn là ứng viên tiềm năng. Vào được vòng phỏng vấn trực tiếp rồi thì bạn sẽ có nhiều cơ hội thể hiện mình hơn.
Cách trình bày, định dạng văn bản phải tốt
Sẽ có rất nhiều cách trình bày CV khác nhau. Thường nhiều trang web hỗ trợ bạn làm cv trực tiếp trên website đó với nhiều mẫu và định dạng đẹp. Nhưng với kinh nghiệm của mình. Bạn chỉ cần làm trên word và sau đó xuất PDF là đủ. Khi làm CV thì bạn chú ý các vấn đề sau:
- Dùng font chữ đơn giản, không nên màu mè hoa lá. Càng dễ đọc càng tốt vì nhà tuyển dụng họ đọc nhiều cv trong ngày thì sẽ dễ dàng bỏ qua những cv quá khó đọc.
- Có Heading từng mục, chỉ nên sử dụng 2 màu đen, trắng or xám là đủ. Khi in ra cũng không bị tối màu.
- Đúng chính tả, cả tiếng anh và tiếng việt. Bạn cần chú ý đến chính tả một cách cẩn thận.
- Hình ảnh cá nhân lịch sự và dễ nhìn.
- Không nên dài quá 3 trang A4.
Những nội dung cần có trong 1 CV của Business analyst
Personal information
- Họ và tên: Ghi đầy đủ và chính xác.
- Ngày tháng năm sinh
- Thông tin liên lạc: Số điện thoại và email.
Lưu ý: Nên sử dụng email nghiêm túc, tránh các email tên không rõ ràng. Hình ảnh cá nhân lịch sự, dễ nhìn. Nếu bạn có các blog có dự án được phép public thì bạn có thể để vào nhé.
Summary và Objective
Giới thiệu về những điểm đáng ghi nhận, nổi bật về công việc trong quá khứ, nếu là sinh viên thì là công việc làm thêm hoặc hoạt động nghiên cứu khoa học hay giải thưởng. Mục tiêu bạn nói đến định hướng dài hạn và ngắn hạn trong thời gian sắp tới tại công ty. Ghi cụ thể và có khả năng làm được.
Ví dụ: Tôi đã từng làm UX designer cho công ty X, đã trải qua các dự án Y thành công về lĩnh vực giáo dục. Trong thời gian đó tôi được làm việc Mục tiêu của tôi trong thời gian tới là trở thành một BA chuyên nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mục tiêu 3 năm tới tôi sẽ trở thành một senior Business Analyst trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Education and Background
Ghi tên cụ thể ngành học và trường. Nếu tốt nghiệp khá, giỏi thì ghi thêm điểm. Các khóa học ngắn hạn đã tham gia.
Professional Background
Là nhưng chương trình đào tạo ngắn hạn, chứng chỉ chuyên môn mà bạn đạt được. Nên liệt kê những khóa học và chứng chỉ liên quan đến công việc được đào tạo? Ví dụ:
- Đã từng tham giá khóa Business Analysis tại trung tâm A.
- Đã tham gia khóa lập trình web tại cty ABC
- Đã tham gia khóa Agile/Scrum trên Udemy, Coursera…
- Đã có chứng chỉ CCBA, CBAP dành cho Business Analyst
Nếu bạn trái ngành, sinh viên mới ra trường hay đã có kinh nghiệm. Việc bạn tham gia các khóa học chuyên môn này cũng được các nhà tuyển dụng đánh giá cao vì khả năng biết được mình cần gì và nỗ lực để tham gia hoàn thành nó.
Working experience.
Ở phần này, nếu làm nhiều công ty, mỗi công ty lại làm một ví trí khác nhau nên cần phải chia tách ra rõ ràng và ghi cụ thể công việc làm, cố gắng ghi các công việc có liên quan đến JD BA đang tuyển.
- Ví trí đã làm
- Dự án
- Bạn làm gì tại dự án đó. Gạch đầu dòng một số công việc bạn phải làm có liên quan đến BA.
- Bạn học được gì từ công việc đó (mục này thường bị bỏ qua tuy nhiên lại rất quan trọng để đánh giá khả năng tổng hợp và học hỏi của bạn). Nếu dự án đó có được sự thành công và con số cụ thể để mô tả cho sự thành công đó thì rất tuyệt vời. Ví dụ “Với vị trí digital marketing tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu đề xuất cải thiện customer journey cùng Business analyst, UX designer giúp app A có được 10.000 user active trong phiên bản đầu tiên“
Đây là mục nhà tuyển dụng đánh giá xem kinh nghiệm và khả năng của bạn có đáp ứng được các nhu cầu công việc không.
Professional Skill
Liệt kê các kĩ năng chuyên môn mà bạn có. Nên liệt kê các kĩ năng liên quan trực tiếp đến công việc BA hoặc công việc liên quan. Có thể chia ra theo các nhóm kĩ năng quan trọng Business Analyst cần có tại đây
Bạn đừng nghi quá nhiều và đánh tuyệt đối hoặc đánh điểm quá thấp nhé.
Achievement and award
Liệt kê các giải thưởng đặc biệt, gây ấn tượng. Đặc biệt các giải thưởng liên quan đến lĩnh vực đang làm. Ví dụ: Tham gia cuộc thi Hackathon và được giải a,b,c. Tham gia thiết kế web/app…Blaoman thấy nhiều trường đại học hiện nay có những cuộc thi về Business Analysis rất thực tế và hữu ích các bạn có thể tham gia để lấy kinh nghiệm.
Người Tham Khảo
Bạn có thể ghi thêm thông tin người xác nhận nếu có. Lựa chọn người tham khảo hiểu bạn, đánh giá tốt về bạn nếu bộ phận nhận sự họ liên lạc để xác nhận các thông tin bạn đã liệt kê.
Những điểm lưu ý khi làm CV:
- Ghi ngắn gọn, súc tích, không dùng từ quá hoa mỹ, khoa trương
- Đúng chính tả, đồng bộ tiếng anh hoặc tiếng việt, hạn chế lẫn lộn ngôn ngữ. Nêu làm CV bằng tiếng anh đối với vị trí BA.
- Định dạng văn bản chuẩn
- Ghi những nội dung biết rõ hoặc biết cụ thể và đọc kĩ CV lại trước khi phỏng vấn.
- Gửi email có nội dung rõ ràng, lịch sự, cụ thể. Mỗi CV chỉ gửi cho 1 công ty đã tìm hiểu kỹ về yêu cầu của công ty đó. Tránh gửi hàng loạt và khi họ gọi pv thì không biết mình đã gửi đến đâu.
Tóm lại: CV tốt là bước đầu tiên giúp bạn có cơ hội phỏng vấn. Làm tốt CV cũng là một kĩ năng tổng hợp và trình bày dành cho Business analyst. Việc có được công việc ngoài CV còn phụ thuộc vào năng lực, trình độ chuyên môn và đặc biết là tính cách, thái độ của ứng viên dành cho công việc và công ty. Tony chúc các bạn tìm được công việc như mong muốn. Nếu cần sự hỗ trợ nào các bạn có thể liên hệ email nhé.
Note: Các bài viết tại đây là của cá nhân mình, không liên quan đến tổ chức, cá nhân nào khác vì vậy các đơn vị, cá nhân trích bài viết vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog. Nếu các bạn content của trang khác lấy nội dung bài viết vui lòng để backlink bài viết này để tôn trọng tác giả và giúp người đọc nắm được thông tin tốt hơn. Cảm ơn!