Thói quen nguyên tử – Atomic habits. Một quyển sách đáng đọc cho việc phát triển bản thân.
- September 12, 2021
- by
- Tony Nguyen
Vì sao Blaoman giới thiệu quyển sách Atomic habits
Vừa rồi mình tình cờ biết đến quyển sách – Thói quen nguyên tử của tác giả James Clear. Sau khi đọc quyển sách này, cảm thấy quá hay và hữu ích nên mình quyết định làm một bản review. Biết đâu quyển sách này sẽ giúp cho đọc giả xây dựng những thói quen tốt để phát triển bản thân tốt hơn.
Trước khi đi vào quyển sách này, mình muốn chia sẻ một nhân vật thể thao gây cảm hứng cho mình rất nhiều. Cũng là ngôi sao bóng đá mình theo dõi gần 20 năm qua. Người đó chính là Cristiano Ronaldo, một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất thế giới. Mình sẽ nói câu chuyện ở khía cạnh bóng đá, thành công với bóng đá của CR7.
Vừa qua Cristiano Ronaldo đã chính thức trở thành cầu thủ ghi bàn thứ 111. Anh chính thức vượt qua huyền thoại Ali Daei của Iran (109 bàn) để trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại ở cấp đội tuyển quốc gia.
Ngày 11/09/2021, Cristiano Ronaldo cũng đã quay trở về mái nhà xưa Manchester United. Và anh ấy đã ghi ngay 2 bàn thắng trong ngày trở lại. Một cầu thủ 36 tuổi, vẫn luôn giữ được phong độ đỉnh cao trong một môn thể thao khắc nghiệt như bóng đá gần 20 năm. Ngoài tài năng ra thì điều gì đã làm cho CR7 thành công như vậy?
Cristiano Ronaldo luôn được biết đến với một ngôi sao chuyên nghiệp nhất trong làng bóng đá thế giới. Mình luôn thích đọc những bài viết, câu chuyện về sự chuyên nghiệp và nỗ lực không nghỉ của CR7. Một điều chắc rằng đó là nhờ những kỉ luật trong lối sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện và nỗ lực trong một thời gian dài mới làm nên một CR7 thành công lâu dài đến vậy.
Mình tin những câu chuyện này sẽ giúp đến một số người hâm mộ như mình những cảm hứng tích cực trong cuộc sống. Đó cũng là lý do mình giới thiệu đến các bạn quyển sách thói quen nguyên tử, quyển sách sẽ đi vào hướng dẫn cho bạn cách hình thành những thói quen tốt, loại bỏ những thói quen xấu. Nếu bạn quan tâm đến việc xây dựng thói quen, bạn hãy đọc thêm Blog của tác giả quyển sách là James Clear.
Atomic habits là một trong những quyển sách bán chạy nhất của New York Times. Atomic habits đã bán được hơn 5 triệu bản trên thế giới. Thật sự quyển sách này không dễ đọc, nó như một quyển sách hướng dẫn cho độc giả những bước để xây dựng được một thói quen tốt, cách hình thành thói quen và cách để loại bỏ một thói quen xấu.
Đầu quyển sách Atomic habits, tác giả kể về câu chuyện thói quen nhỏ ảnh hưởng to lớn thế nào đến kết quả với đội đua xe đạp của nước Anh. Tương tự như lãi kép, việc tốt hơn 1% mỗi ngày sẽ giúp cho bạn có kết quả đáng kinh ngạc sau một thời gian dài cố gắng không ngừng nghỉ.

Nhìn vào hình trên, bạn sẽ thấy chỉ 1% tốt hơn mỗi ngày thì sau 1 năm kết quả đạt được rất kinh ngạc đúng không. Thay vì đặt 1 mục tiêu quá to lớn ngay ban đầu, chúng ta có thể chia nhỏ và cố gắng mỗi ngày sẽ dễ dàng hơn.
Quyển sách Atomic habits – Thói quen nguyên tử được chia làm 20 chương.
Những nguyên tắc cơ bản
Ở chương đầu tiên, tác giả đã giải thích thế nào là thói quen. Thói quen là một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi chúng được thực hiện 1 cách tự động. Thói quen là lãi kép từ việc cải thiện bản thân. Tiến bộ 1% mỗi ngày sẽ giúp bạn thay đổi đáng kinh ngạc. Thói quen nguyên tử chính là một thói quen nhỏ. Thói quen nhỏ thì bạn thường ít để ý và quan sát thấy nhưng nếu duy trì với một thời gian dài sẽ dẫn đến những ảnh hưởng lớn. Thói quen là 1 con dao 2 lưỡi, nó có thể phục vụ bạn nhưng cũng có thể chống lại bạn. Nếu bạn muốn đạt được những kết quả lớn, đừng quá tập trung vào mục tiêu mà hãy tập trung vào xây dựng hệ thống thói quen để đạt được mục tiêu đó.
Cách thức các thói quen hình thành nên đặc tính của bạn
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao những thói quen xấu dễ dàng lặp lại nhưng lại rất khó khăn hình thành nên các thói quen tốt không? Có 3 cấp độ để thay đổi đó là thay đổi mục tiêu, thay đổi tiến trình, thay đổi đặc tính. Cách hiệu quả nhất để thay đổi thói quen là không nên tập trung vào mục tiêu bạn muốn đạt được mà nên tập trung vào con người bạn muốn trở thành. Đặc tính của bạn sẽ dần hình thành từ những thói quen. Mỗi hành động là một lá phiếu bầu chọn cho mẫu người mà bạn muốn trở thành. Lý do vì sao thói quen trở nên quan trọng là vì chúng có thể thay đổi những niềm tin của bạn về chính bản thân mình.
4 Bước để xây dựng những thói quen tốt
Thói quen là một hành vi được lặp đi lặp lại trong một khoản thời gian đủ dài để nó trở thành 1 hành vi tự động. Mục đích của thói quen chính là để giải quyết những vấn đề ít tốn năng lượng hơn. Bất kì một thói quen nào cũng được phân tách thành 4 bước chính: Dấu hiệu, khao khát, phản hồi, phần thưởng. 4 quy luật thay đổi hành vi là một trong những quy tắc đơn giản nhất để xây dựng những thói quen tốt dễ dàng hơn.
- Khiến việc đó trở nên hiển nhiên, rõ ràng
- Khiến việc đó trở nên thu hút, hấp dẫn
- Khiến việc đó trở nên dễ dàng
- Khiến việc đó mang lại cảm giác thỏa mãn
Bạn nên xây dựng cho mình phiếu đánh giá thói quen. Khi liệt kê những thói quen hằng ngày ra thì bạn có thể đặt những câu hỏi liệu đây có phải là một thói quen tốt? Mục đích của việc này giúp bạn thực sự nhận biết được gì đang thực sự diễn ra và tìm cách giải quyết chúng. Ví dụ mình liệt kê một số thói quen buổi sáng.
- Thức dậy đúng 6h sáng: +
- Xem điện thoại ngay khi thức dậy khỏi giường: –
- Uống một li nước lọc: +
- Vệ sinh cá nhân: +
- Tập thể dục: +
- Lướt mạng xã hội trước khi ăn sáng: –
- Uống cà phê: =
Trong đó thì dấu + là thói quen tốt, dấu trừ là thói quen không tốt ( theo từng quan điểm và bối cảnh), dấu = là không tốt cũng không xấu. Từ danh sách trên mình sẽ loại bỏ thói quen không tốt là đưa điện thoại ra xa khu vực giường ngủ và không cầm nó ngay sau khi thức dậy. Đây là một việc quan trọng để bạn xây dựng nên một thói quen tốt.
Khiến việc đó trở nên hiển nhiên và rõ ràng:
Tôi sẽ làm [HÀNH VÌ NÀO ĐÓ] vào lúc [THỜI GIAN] ở [NƠI CHỐN]: Tôi sẽ tập thể dục vào lúc 18h30 tại sân thượng sau khi kết thúc công việc.
Khiến việc đó trở nên thu hút, hấp dẫn:
Sau khi làm [THÓI QUEN TÔI CẦN], tôi sẽ thực hiện [THÓI QUEN TÔI MUỐN]: Sau khi tập thể dục xong tôi sẽ tắm nước lạnh để hồi phục cơ thể.
Khiến việc đó trở nên dễ dàng:
Khiến cho thói quen trở nên dễ dàng thực hiện. Ví dụ tập thể dục ngay tại sân thượng mà không cần đến công viên. Kéo xà mỗi lần 5 cái thay vì 10 cái. Chia nhỏ lần kéo xà thành nhiều lần nhỏ. Thay vì tập trung vào số lượng thì tập trung vào tần suất đều đặn mỗi ngày. Sau khi kéo xà được 5 cái đều đặn và dễ dàng thì bạn dễ dàng tăng lên 6, 7 cái/lần.
Khiến việc đó mang lại cảm giác thỏa mãn:
Sau khi tập thể dục xong, bạn tắm nước lạnh. Sau đó bạn sẽ cảm nhận cơ thể mình thoải mái và ăn ngon hơn. Sau một thời gian bạn sẽ tự chụp cho mình những bức hình so sánh trước và sau khi quá trình tập luyện đều đặn. Bạn cảm thấy mình đạt được kết quả, được thỏa mãn. Từ đó thói quen tốt sẽ được duy trì.
Môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen
Môi trường là một yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành thói quen. Mỗi thói quen sẽ gắn liền với một không gian, môi trường cụ thể. Nếu bạn thường xuyên xem tivi, chơi game tại phòng khách thì bạn sẽ rất khó tập trung để học tại phòng khách. Bạn sẽ dễ dàng bật tivi xem ngay mỗi lúc giải lao, sao nhãng việc học.
Việc xây dựng cho mình một môi trường rất quan trọng trong việc xây dựng thói quen tốt. Ví dụ bạn muốn xây dựng thói quen tập thể dục thì hãy xây dựng cho mình một không gian để chuyên biệt làm việc đó. Như đi đến phòng gym tập thể dục. Ra công viên chạy bộ, lên sân thượng để tập nhảy…
Tương tự như vậy để loại bỏ thói quen xấu bạn cũng cần thay đổi môi trường. Ví dụ để bỏ hút thuốc lá thì bạn không nên ngồi ở những quán cà phê cho hút thuộc và có nhiều người hút thuốc. Vì như vậy bạn sẽ cảm thấy quen thuộc và thấy thèm cảm giác hút thuốc hơn và thói quen xấu lại tiếp tục.
Những hành động một lần giúp khóa chặt những thói quen tốt
Tác giả liệt kê ra những hành động rất gần gũi để giúp bạn duy trì những thói quen tốt một cách tự động. Mình cảm thấy phần này rất hay và có nhiều điểm để áp dụng ngay vào cuộc sống ngay.
- Về dinh dưỡng
- Mua một lõi lọc sạch nước uống
- Sử dụng đĩa nhỏ để cắt giảm lượng calo nào vào mỗi bữa ăn
- Về giấc ngủ
- Mua một chiếc nệm có chất lượng tốt
- Thay rèm tối màu
- Chuyển tivi ra khỏi phòng ngủ
- Bỏ điện thoại ra xa giường. (Mình bổ sung áp dụng thêm)
- Luôn giữ chăn màn sạch sẽ. (Mình bổ sung áp dụng thêm)
- Hiệu suất làm việc
- Loại bỏ email quảng cáo
- Tắt thông báo nhóm chat
- Chuyển chế độ im lặng
- Xóa các ứng dụng xã hội không cần thiết.
- Những nội dung trên mình đã áp dụng được cho lối sống tối giản minimalism, giúp cải thiện việc làm việc sâu và tập trung hơn.
- Mức độ hạnh phúc
- Nuôi một chú cún
- Sống cùng hàng xóm thân thiện
- Tập chơi một loại nhạc cụ ( Mình thì tập guitar hằng tuần)
- Sức khỏe
- Tiêm chủng đầy đủ ( Rất quan trọng)
- Mua một đôi giày chất lượng
- Mua bảo hiểm sức khỏe (Mình bổ sung)
- Mục sức khỏe này mình có 1 bài viết về đại dịch covid đã dạy mình điều gì tại đây.
- Tài chính
- Gửi tiết kiệm tự động
- Thanh toán tín dụng và hóa đơn tự động
- Cắt giảm tiêu thụ năng lượng
Đọc đến mục này các bạn có thể liệt kê ra các mục trên và bổ sung, mình tin rằng sẽ cải thiện nhiều thói quen tốt cho bạn
Mình đã áp dụng được gì sau khi đọc cuốn sách Atomic Habits – Thói quen nguyên tử của James Clear.

Blaoman có thói quen, sau khi đọc 1 quyển sách nào đó hay. Mình thường tóm tắt lại những điểm hay và quan trọng nữa là nếu có thể áp dụng vào cuộc sống thì mình sẽ áp dụng luôn. Với thói quen nguyên tử, mình đã áp dụng được.
- Liệt kê ra tất cả những danh sách thói quen trong ngày. Từ đó lên kế hoạch loại bỏ những thói quen xấu.
- Ghi rõ chi tiết cách thực hiện các thói quen tốt.
- Ví dụ: Mình sẽ ngồi viết Blog vào 9h30 sáng mỗi thứ bảy sau khi uống cà phê sáng.
- Mình sẽ tập thể dục vào đúng 18h30 tại sân thượng sau khi kết thúc công việc. Sau khi tập thể dục xong mình sẽ tắm nước lạnh.
- Mình sẽ tập thiền 10 phút vào mỗi sáng vào lúc 6h30 sau khi tập thể dục xong tại sân thượng
- Mình sẽ không sử dụng điện thoại sau 22h
- Mình sẽ học thêm 30 phút tiếng anh mỗi ngày vào lúc 20h30.
Đặc biệt mình sẽ không đặt nặng mục tiêu lớn nữa mà tập trung vào hệ thống. Thay vì tập trung vào mục tiêu dài hạn mình sẽ cố gắng cải thiện thói quen nhỏ mỗi ngày. Ví dụ như việc viết blog chia sẻ mỗi tuần, rèn luyện kĩ năng viết tốt hơn dù cho ít người đọc. Và sẽ duy trì đều đặn việc này lâu dài mà không quan trọng đến mục tiêu trở thành 1 blog nhiều người đọc. Cố gắng để phiên bản tôi ngày hôm nay tốt hơn tôi ngày hôm qua 1%.
Mình hi vọng chia sẻ quyển sách này đến các bạn, giúp các bạn đang muốn xấy dựng thói quen tốt phát triển bản thân có thêm một phương pháp hay để tham khảo.
Note: Các bài viết tại đây là của cá nhân mình, không liên quan đến tổ chức, cá nhân nào khác vì vậy các đơn vị, cá nhân trích bài viết vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog. Nếu các bạn content của trang khác lấy nội dung bài viết vui lòng để backlink bài viết này để tôn trọng tác giả và giúp người đọc nắm được thông tin tốt hơn. Cảm ơn!